Vai trò Đại_Cồ_Việt

Các nhà sử học trong các bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều lấy mốc ra đời của nước Đại Cồ Việt trở về trước là “Ngoại kỷ”, “Tiền biên”; trở về sau là “Bản kỷ”, “Chính biên”.[8]

Trong ngàn năm Bắc thuộc từng trỗi dậy những chính quyền nhưng thời gian tồn tại chưa được bao lâu đã bị dẹp yên, sự nghiệp chưa ổn định lâu dài nên chưa thể cấu thành triều đại. Từ khi họ Khúc giành lấy quyền tự chủ cho đến hết loạn 12 sứ quân, danh nghĩa Việt Nam vẫn chỉ là một phiên trấn của Trung Quốc với cái tên Tĩnh Hải quân, các nhà lãnh đạo Việt Nam thời tự chủ chỉ ở mức Tiết độ sứ cả trong nước và ngoại giao, đến lúc Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán mới tự xưng Vương. Bắt đầu từ đấy, vua Việt Nam mới chính thức được xác định, tuy nhiên, nhà Ngô vẫn chưa đặt quốc hiệu. Bấy giờ bên Trung Quốc cũng đang loạn to, chính quyền trung ương còn mải lo đánh dẹp nên chưa thể nhòm ngó xuống mạn cực nam, chỉ có nước Nam Hán kế cận thỉnh thoảng xung đột mà thôi. Đến thời nhà Đinh, đối với thần dân trong nước, các vua người Việt đã xưng hoàng đế và đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, gặp lúc nhà Tống cũng mới chấm dứt cục diện Ngũ đại Thập quốc nên sai sứ sang sắc phong vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương, từ đó nền quân chủ Việt Nam mới được xác lập.[9]

Việc thành lập nhà nước Đại Cồ Việt là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ tồn tại trong vòng 86 năm (968-1054) với hai triều đại là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và hai triều vua đầu thời Lý là Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt giữ một vai trò hết sức quan trọng:[10]

  • Nhà nước Đại Cồ Việt là nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, thừa kế và phát triển lên một bước so với nhà nước quân chủ của nhà Ngô trước đó chưa có quốc hiệu. Nhà nước Đại Cồ Việt là một quốc gia thống nhất, độc lập, có tổ chức quân đội riêng và làm chủ một giang sơn riêng. Đặc biệt đây là nhà nước quân chủ đầu tiên đúc tiền đồng Thái Bình hưng bảo trong lịch sử tiền tệ Việt Nam, là nhà nước quan tâm đến việc phát triển kinh tế và văn hóa…
  • Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc, trong lịch sử bang giao của Việt Nam. Năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ thần sang nhà Tống để kết hiếu giao hảo. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thi hành những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với đế chế Trung Hoa. Từ đó, để lại một bài học kinh nghiệm ngoại giao với đế chế khổng lồ phương Bắc là “ở trong xưng Đế, bên ngoài xưng Vương” cho các vương triều quân chủ Việt Nam sau này.
  • Nhà nước Đại Cồ Việt cũng ghi dấu ấn với việc thực thi các chính sách đúng đắn đối với dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các dân tộc chung sống hòa bình, cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù chung; mở rộng lãnh thổ về phương Nam, tiến hành nhiều cuộc khai phá, di dân để các triều đại sau này tiếp tục hoàn thành trọn vẹn quá trình ấy.

Tại hội thảo quốc gia "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam" diễn ra ngày 12/4/2018 tại Ninh Bình, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng:

“Hơn 1.000 năm dưới ách cai trị hà khắc với chính sách đồng hóa ráo riết của phong kiến phương Bắc là một thử thách hiểm nghèo của nhân dân Âu Lạc. Sau chừng ấy thời gian mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và giành lại độc lập là hiện tượng hy hữu tới mức có thể coi là duy nhất trong lịch sử thế giới. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời thực sự là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất thông suốt, xác định cương thổ, phát hành tiền tệ… Đại Cồ Việt là quốc gia độc lập với đầy đủ tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Sự nghiệp “tái lập quốc” của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn” -